“Như mày, có chó nó lấy!”
Khai thật đi nào, các bạn đã từng được nghe câu này từ bố mẹ, người thân, bạn bè về các bạn chưa? Các bạn có cảm thấy bị xúc phạm không?
Mình xung phong trước, mình không nhớ là bố mẹ mình nói bao nhiêu lần rồi, không đến nỗi hàng ngày hàng tháng, nhưng hàng năm thì chắc chắn. Nhưng, nhưng thêm lần nữa là bài viết này không nói về hôn nhân, cưới xin hay bất kì phạm trù nào về chủ nghĩa độc thân. Bài viết này bàn luận về việc một vài khía cạnh về sự thể hiện tình cảm dưới góc nhìn cá nhân của mình.
Lại một câu hỏi nữa nào, có ai đang đọc bài này từng nghe câu nhận xét về các bạn là “Sống không tình cảm” không? Hoặc đại loại là nhận xét bạn không biết cách bày tỏ, hoặc không có những hành động thể hiện tình cảm như một số con/cháu/anh/em/người yêu…nhà người ta?
Vâng, lại là Phương đây, mình “được” nghe rất nhiều câu đó nói về mình khi còn nhỏ. Có vẻ tần suất nhiều lên khi mình có em trai, em trai mình cách mình 16 tuổi. Bố mẹ mình thỉnh thoảng so sánh và kết luận mình như trên vì mình không hay nói những câu “Yêu bố, yêu mẹ”, “Nhớ bố, nhớ mẹ” v...v... hoặc thể hiện qua hành động thân mật với người thân như em mình lúc tầm tuổi hai đứa bé như nhau. Ngoài ra, thỉnh thoảng, mình đã được nhận xét là ngoan nhưng không “tình cảm”, không khéo từ những người thân khác trong gia đình rồi.
Lan man nhiều chút về chính bản thân mình cũng để tâm sự xem có ai từng giống mình không, từng bị nhận xét và hoang mang trong rất nhiều năm rằng mình có đúng như vậy?
Mình đã tin mình là đứa như thế trong rất nhiều năm.
Mình từng nghĩ là “À, người thân nói thế thì chắc là đúng rồi, mình có nên thay đổi không nhỉ? Mà thay đổi để làm gì, có tốt hơn không? Và mình quyết định không thay đổi!
Đến giờ, đến tuổi trưởng thành (còn con người có trưởng thành thật không thì không dám chắc haha), thỉnh thoảng có nhắc đến những chủ đề về thể hiện tình cảm khi nói chuyện với bạn bè, mình thử tự soi chiếu lại bản thân và gia đình xem có gì thú vị không thì cũng phát hiện ra mấy điều.
Đừng áp đặt tiêu chuẩn của bản thân sang người khác
Mình đã bớt vô thức trách bản thân trong quá khứ không “khéo” nữa. Khéo với người này có thể là A, nhưng với người kia lại là B. Mỗi người có định nghĩa và sự thể hiện khác nhau, tại sao người này phải theo tiêu chuẩn của người kia và bị đánh giá nếu không khớp nhau? Huống hồ là một đứa trẻ, nếu cần thiết, hãy DẠY đứa trẻ một cách cư xử PHÙ HỢP hơn, chứ đừng đáng giá và áp đặt.
2. Thể hiện tình cảm là một việc mang tính cá nhân
Đối với văn hóa phương Tây, việc nói những lời như có từ “Love” hay những cử chỉ như ôm, hôn rất bình thường. Nhưng bạn quan sát xem, ở Việt Nam thì bố mẹ bạn (mình lấy ví dụ là những người sinh tầm những năm 60 như bố mẹ mình đi) có hay nói những lời yêu thương hàng ngày hay có cử chỉ thân mật như vậy không. Mình còn nhớ hồi bé xíu, xem phim truyền hình Việt Nam toàn thấy khắc họa một số kiểu giao tiếp giữa những cặp vợ chồng hoặc là gây gổ (vợ chồng nói chuyện được vài câu là cãi nhau, chồng gọi vợ là sư tử...) hoặc là “văn mẫu” (những cuộc hội thoại cứng ngắc, nội dung “chuẩn mực” nhưng không thực tế).
Lớn hơn, khi mình bắt đầu xem phim Mỹ thì mới bất ngờ “Ồ, họ nói chuyện với nhau khác nhỉ.”
Ngoài phim ảnh ra, thì bạn cũng lại ngẫm tiếp xem, sự phát triển của mạng xã hội và quảng cáo cũng khiến ta vô tình hấp thụ những thứ tạo nên quan điểm của bản thân. Ví dụ: bạn xem quá nhiều quảng cáo về những buổi cầu hôn cầu kì phải có bóng bay, nến, hoa, nhà hàng xịn. Bạn lên mạng xã hội và cũng thấy quá nhiều những bài post ngập tràn sự chuẩn bị công phu, cầu kì của những cặp đôi khi hẹn hò, cầu hôn, kỉ niệm...rồi họ sử dụng những từ siêu ngọt ngào => Những việc này có thể vô thức tạo nên quan điểm của bạn về sự lãng mạn.
Tuy nhiên, quay lại quan điểm ban đầu, thể hiện tình cảm là mội việc cá nhân. Có thể với người A thì việc chuẩn bị một bữa tiệc tại một nhà hàng lớn, trang trí tưng bừng và thật nhiều người chứng kiến và chúc phúc cho họ là việc lãng mạn và tình cảm nhất họ muốn dành cho người mình yêu. Nhưng với người B, việc tổ chức nhỏ, tại nhà, tự nấu ăn, chỉ hai người mới là lãng mạn. Và qua 2 cách thể hiện, ta không thể phán xét ai tình cảm hơn ai, ai lãng mạn hơn ai, ai hạnh phúc hơn ai.
Mỗi người là một cá thể riêng biệt, và văn hóa, môi trường sống, tính cách, trải nghiệm cũng ảnh hưởng đến cách họ thể hiện. Vậy nên, đôi khi chỉ cần nhận ra họ đã cố gắng nhường nào để truyền tải là đã đủ rồi.
*Ngoài lề: Mình đã xem rất nhiều phim tình cảm từ Việt Nam, Hàn Quốc và Mỹ từ hồi tầm tuổi teen và đến tận bây giờ. Và một trong những cảnh cầu hôn mà thích nhất là trong phim About Time, nhân vật nam chính cầu hôn khi không có một sự chuẩn bị gì. Nữ chính lúc đó vẫn còn đang ngái ngủ. Nhưng nếu xem phim rồi thì bạn sẽ hiểu chính trong buổi tối đấy, nam chính nhận ra đây chính là người con gái anh ấy muốn dành cuộc đời phía trước bên cạnh và đồng hành, nó chân thành và rất thật, đúng với tính cách của nhân vật.
3. Mở lòng hơn để hiểu được “ngôn ngữ tình cảm” của mọi người
Lại ví dụ nhé, với bố mình, ngôn ngữ tình cảm của ông là “Gà và Chó”.
Suốt bao năm trời, trong tất cả các dịp kỉ niệm ngày cưới bố mẹ, sinh nhật mọi người, hoặc ai có chuyện gì vui cần ăn mừng, bố mình luôn “Làm con gà nào!”. Mình từng kêu rầm rĩ rất nhiều lần là mình không cần ăn thêm con gà nào nữa, mình muốn cái khác và cuộc khẩu chiến luôn kết thúc với câu của bố “Nhớ mồm mày, tao làm lên thì đừng ăn”.
Bố mình là người rất thích chó nhưng nhà mình không nuôi vì không có nhiều không gian. Và bố mình rất hay lấy chó ra ví von, mình nhớ được một vài tình huống như sau:
*Khi mình bị ốm, sáng nằm nhà không đi làm được:
- Con kia nay sao không đi làm? Nằm như chó ốm thế kia?
- Vầng, chó…trúng gió ☹
*Khi thấy mình và em mình ngồi xem Tivi:
- Hai đứa kia ngồi xem cái gì mà mồm há hốc như chó chầu tát ao thế kia?
- Ừm…Ráp Việt!
*Khi mình xin nuôi thú cưng:
- Bố, nuôi con mèo như này đi *giơ ảnh*
- Úi giời, như mày thì nên nuôi con chó đá thôi cho nó nhàn.
Mẹ mình vẫn thỉnh thoảng than vãn là bố mình không biết lãng mạn là gì, chưa bao giờ nói được câu nào tình cảm, chưa bao giờ có kiểu tặng quà bất ngờ, chưa bao giờ có hành động ga-lăng tình cảm sến tí cũng được. Có thể mẹ mình vẫn chưa thật sự chấp nhận “ngôn ngữ tình cảm” của bố mình thông qua gà và chó, tuy nhiên, sau 30 năm được “training” thì mẹ mình đã đạt cảnh giới là tự mua trước gà khi biết bố mình muốn tổ chức liên hoan 😊
Còn mình ư? Trừ việc bị ám ảnh về gà luộc và miến gà ra thì mọi thứ đã khá hơn. Mình đã tự phiên dịch lại một số câu của bố cho dễ hiểu hơn, ví dụ như khi bố mình gọi mình là “chó ốm” thì mình hiểu là muốn ám chỉ một hình ảnh đáng yêu, bé bỏng nhưng đang ốm haha. Vậy nên các bạn đã hiểu ý câu mở bài của mình rồi đấy, nếu trong tình huống của mình thì câu đó chẳng có gì xúc phạm cả!
Mình nhận là cũng từng xét nét, lấy tiêu chuẩn và quan điểm của mình để đánh giá sự thể hiện tình cảm của người khác và tất cả những gì mình nhận lại là sự thất vọng hoặc không hài lòng. Thật ngớ ngẩn! Đến giờ mình dành thời gian quan sát nhiều hơn thì thấy rất bất ngờ với “ngôn ngữ tình cảm” của mọi người, mỗi người đều có cách thể hiện khác nhau và còn thú vị hơn rất nhiều so với trên phim ảnh, quảng cáo…
Kết bài rồi đây này, dù cách thể hiện của bạn là gì, dù là cách bạn học tập từ kì nguồn nào, người nào mà bạn nghĩ phù hợp với bản thân thì hãy cố gắng truyền tải đến cho người bạn muốn truyền tải nhé. Đừng nghĩ là tôi đã làm đến nước này rồi mà sao không tự hiểu, nếu bạn cảm thấy họ không hiểu, hãy mạnh dạn nói ra suy nghĩ của bạn một lần. Chuyện này không có đúng có sai, không có ai hơn ai thua, không có ai lợi ai thiệt. Đến cuối cùng, điều chúng ta đều muốn là sự yêu thương và thấu hiểu thôi mà, nhỉ?
Bố chị ngày trước khi chị ốm lườm phát cháy mặt và bảo không giữ sức khoẻ thì đừng có mà làm khổ người khác huhu lúc đấy tủi thân nước mắt tuôn rơi, nghĩ Bố mình ko thương mình nhưng giờ khi mình làm Mẹ mới hiểu đấy là những lời nói và ánh nhìn ẩn sau sự giận dữ giả vờ đấy là tràn ngập sự lo lắng và yêu thương :)